8 Thói Quen Tạo Nên Kỷ Luật Thép Cho Người Thành Công.

“Một khi đã đưa ra cam kết, bạn cần kỷ luật và làm việc chăm chỉ để đạt được nó” - Haile Gebrselassie

Bất cứ một người thành công nào cũng là người tuân thủ kỷ luật, dù người đó đạt thành tựu trong công việc hay đời sống cá nhân. Suy nghĩ của bạn. Cảm xúc của bạn. Hành vi của bạn. Thói quen của bạn. Bạn phải giữ chúng nằm trong tầm kiểm soát, như thế mới chứng tỏ rằng bạn đang làm mọi việc một cách tốt nhất.

Nếu bạn muốn hoàn thành những mục tiêu mà mình đã đặt ra thì yếu tố kỷ luật đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính kỷ luật vốn không phải là một cái gì đó mới mẻ. Trên thực tế, kỷ luật là một chủ đề được đưa ra thảo luận từ lâu và được công nhận từ nhiều bậc vĩ nhân.

Aristotle từng nói: “Những thói quen tốt hình thành từ khi còn trẻ sẽ tạo nên sự khác biệt”. Bản thân mỗi người không thể nào thành hình những thói quen tốt đó mà không kiểm soát những hành vi của mình trong khuôn khổ kỷ luật. Với Theodore Roosevelt: “Có kỷ luật tự giác thì mọi chuyện đều có thể”. Còn gần đây, Jim Rohn tuyên bố: “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”, trong khi Robert Kiyosaki khẳng định: “Sự tự tin bắt nguồn từ kỷ luật và rèn luyện”. Những người thành công bậc nhất đều hiểu rằng kỷ luật là “cửa ngõ” dẫn tới mục tiêu của họ và nhờ kỷ luật họ sẽ thực hiện được ước mơ.

VẬY NÊN, BẠN CŨNG CÓ THỂ.

Nhưng kỷ luật được hình thành như thế nào? Điều gì cho phép một người làm chủ từng hành động của họ còn những người khác chùn bước và thất bại? Làm sao để một người có thể ý thức về những gì họ làm mỗi ngày, trong khi những người khác thì vô ưu, vô lo? Câu trả lời cho những câu hỏi trên nằm ở những thói quen của chúng ta, vì 40% hành vi là xuất phát từ thói quen. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn kiểm soát khả năng tuân thủ kỷ luật của mình, bạn phải kiểm soát những thói quen.

Hãy nhớ rằng thói quen luôn cần thời gian để phát triển và thay đổi. Quá trình này không diễn ra trong chốc lát, đặc biệt là với những thói quen thúc đẩy tinh thần kỷ luật tự giác.

Lòng biết ơn

Bạn thường dành quá nhiều thời gian để khát khao. Thói quen biết ơn giúp bạn hạn chế sự thèm muốn những gì bạn không có và biết trân trọng hơn những gì bạn đang có. Khi đó, một số thay đổi đáng chú ý bắt đầu diễn ra. Ảnh hưởng từ lòng biết ơn rất sâu sắc, đó là cải thiện những vấn đề về mặt cảm xúc. Nhưng hơn hết, nó tạo điều kiện cho bạn thoát khỏi trạng thái tâm lý lúc nào cũng thấy thiếu thốn và hướng tới sự biết đủ.

Sống trong cảm giác luôn thấy mình thiếu thốn, bạn không thể nào tập trung kỷ luật bản thân, nên khó đạt được mục tiêu. Tâm lý thiếu thốn sẽ chuyển thành bệnh lý căng thẳng, thể hiện ở sự giải phóng các hormone cortisol và epinephrine, tác động không tốt đến hệ tiêu hóa, hệ sinh sản và hệ miễn dịch. Hãy dành 10 phút mỗi ngày viết ra những điều mà bạn cảm thấy biết ơn. Nếu bạn không nghĩ ra được gì thì hãy cứ đi tìm, tìm đi rồi bạn sẽ thấy.

Sự tha thứ

Thay Thói Quen Đổi Cuộc Đời.

Nếu phần lớn thời gian trong ngày là những cảm xúc tức giận, hối tiếc, mặc cảm, chán ghét… thì bạn đang tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải pháp. Sự đau khổ, chán chường, bực bội tiêu tốn nhiều năng lượng hơn yêu thương và sự tha thứ. Tha thứ nghĩa là bạn học cách buông bỏ những điều tiêu cực làm ảnh hưởng đến bản thân. Không có thói quen tha thứ, bạn không thể tự kỷ luật. Nếu ai đó làm tổn thương bạn, hãy học cách khoan dung với họ. Tha thứ không đồng nghĩa rằng bạn phải quên, chỉ là hạn chế nguồn năng lượng xấu làm ảnh hưởng đến khả năng tự kỷ luật.

Muốn trở thành một người có kỷ luật thì chắc chắn bạn phải sống vị tha. Thoạt nhìn, tha thứ có vẻ không phải là thói quen kỷ luật, nhưng thực tế lại là một thói quen thiết yếu. Hãy nghĩ về những người mà bạn tỏ thái độ tức giận hoặc gây ra lỗi và lý do vì sao bạn nên tha thứ cho họ. Cố gắng đặt mình vào vị trí của họ để hiểu sự việc thông qua một góc nhìn khác. Cố gắng đúc rút bài học kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra.

Thiền

Thiền giúp tâm trí bạn thư thái và ổn định tinh thần. Khi thiền, bạn tĩnh tâm và kết nối với những gì sâu thẳm nhất trong con người mình. Thiền tác động lớn đến khả năng tự kỷ luật của bạn, làm tiêu biến nguồn năng lượng xấu, đồng thời mang lại những suy nghĩ tích cực. Thiền định cải thiện tinh thần, cảm xúc, thể chất của bạn cùng một lúc. Thiền có thể được thực hiện trong 10 hoặc 15 phút. Giữ cho tâm trí của bạn yên tĩnh và đừng để nó trôi lang thang vô định. Cảm nhận luồng không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi của bạn. Thiền là quá trình gắn kết giữa linh hồn với thể xác, tạo thành một thể thống nhất để tập trung hơn vào mục tiêu và giảm tải những gánh nặng.

Đặt ra mục tiêu chủ động

Điều này khác với thiết lập mục tiêu thụ động. Thụ động là bạn chỉ đặt mục tiêu trong tâm trí mình. Chúng thụ động vì thiếu chi tiết cụ thể. Bạn chưa xác định đúng hướng nên những mục tiêu vẫn chỉ tồn tại một cách trừu tượng. Mục tiêu chủ động thì khác. Chúng phải được viết ra. Chúng chứa đựng hàm ý sâu sắc. Chúng có thể đo lường được. Và bạn có kế hoạch để đạt được chúng. Khi thiết lập mục tiêu dài hạn theo hình thức này thì việc chinh phục ước mơ nằm trong tầm tay.

Việc thiết lập mục tiêu chủ động tương quan với kỷ luật vì bạn hoàn toàn xác định rõ phương hướng. Để đặt mục tiêu chủ động, trước tiên bạn phải đặt những mục tiêu dài hạn. Nếu có mục tiêu dài hạn, bạn cần phải đặt mục tiêu và lập kế hoạch hàng tháng, hàng tuần và hàng ngày, sau đó chủ động theo dõi tiến độ thực hiện một cách sát sao. Nhờ theo dõi và phân tích, bạn sẽ biết mình đang ở đâu, đã đi được bao xa và còn phải đi bao nhiêu nữa. Hãy đề ra một số mục tiêu hàng ngày cho bản thân, hoạch định các nhiệm vụ cần phải thực hiện và tiến hành thực hiện.

Tập luyện thể chất

Điều Bí Ẩn Ở Những Người Cực Kỳ Thành Công.

Tập luyện về mặt thể chất là một thói quen rất cần thiết. Muốn sống kỷ luật, bạn phải chăm chỉ rèn luyện thể chất. Lợi ích của một cơ thể khỏe mạnh thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng ưu tiên dành thời gian tập luyện. Nhiều người cho rằng họ không thể hình thành nên thói quen tập luyện đều đặn vì họ có quá nhiều việc để làm, nhiều thứ để lo nghĩ. Lối suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm.

Sở hữu thói quen tập luyện thể chất không chỉ đặt bạn vào một cuộc sống kỷ luật hơn mà những khía cạnh khác cũng được cải thiện. Việc tập luyện làm giảm mức độ căng thẳng của bạn bằng cách giải phóng endorphin, dopamine và serotonin, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch và quá trình trao đổi chất. Chưa kể tập luyện cũng làm tăng khả năng tập trung vào công việc, cho phép bạn có một cuộc sống kỷ luật hơn.

Hãy bắt đầu những bài tập chỉ mất 5 phút, chỉ 5 phút thôi, sau đó tăng dần lên 10 phút, cứ thế tiếp tục theo cách này thì cuối cùng việc tập luyện sẽ trở thành một thói quen khó bỏ.

Tổ chức

Để sống kỷ luật và đạt được mục tiêu, bạn cần phải có óc tổ chức. Thói quen tổ chức không chỉ ứng dụng trong công việc mà còn trong đời sống cá nhân. Nó bao gồm việc sắp xếp các vật dụng trong nhà và văn phòng, cùng với những thứ trong tâm trí. Một cuộc sống có tổ chức là một cuộc sống có kỷ luật. Bắt đầu từng chút nếu bạn tự thấy mình là người dễ bị phân tán tư tưởng. Làm từng việc nhỏ mỗi ngày để cải thiện tính tổ chức của bản thân.

Giống như tất cả các thói quen khác, thói quen tổ chức có thể được xây dựng từ từ theo thời gian. Nó đòi hỏi sự nỗ lực và chú tâm. Một khi không gian xung quanh bạn được sắp xếp đâu ra đó thì tâm trí sẽ rộng mở và thoải mái cho việc phát triển những thứ quan trọng. Bạn có thể tự kỷ luật tốt hơn nếu như cuộc sống đi vào nề nếp. Hãy chú ý đến những điều nhỏ nhặt, những thứ nhỏ chính là tiền đề cho những lợi ích lớn.

Quản lý thời gian

Nhờ quản lý thời gian hợp lý, bạn sẽ có thời gian cho các kế hoạch nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Để đạt được các mục tiêu dài hạn, bạn phải thực hiện các hành động có thể không khẩn cấp, nhưng chắc chắn là quan trọng nhất. Trong quản lý thời gian, người ta gọi đây là góc phần tư “hoạt động không khẩn cấp nhưng quan trọng”, còn gọi là góc phần tư thứ 2. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường mất thời gian cho các hoạt động “không khẩn cấp và không quan trọng”, còn được gọi là góc phần tư thứ 4. Đó là sự lãng phí thời gian.

Khả năng tự kỷ luật của bạn chủ yếu xuất phát từ khả năng quản lý thời gian hiệu quả. Các nhà quản lý thời gian giỏi cũng là những người thành công trong lĩnh vực của họ. Tại sao? Bởi vì thời gian đối với họ là một thứ có ích. Chúng ta ai cũng đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày nên không được phép phí phạm một phút giây nào. Hãy cố gắng quản lý thời gian một cách tối ưu nhất.

Kiên trì

Không có thói quen kỷ luật nào được xây dựng mà không có sự kiên trì. Kiên trì là đức tính giúp bạn không bỏ cuộc. Ngay cả khi thất bại, sự kiên trì giúp bạn đứng dậy. Nếu không, bạn gần như sẽ không thể tự giác kỷ luật. Đạt được mục tiêu thì khó, còn buông xuôi thì luôn dễ dàng. Từ bỏ thì ít tốn công, tốn sức, còn vượt qua thì phải chịu nhiều gian khổ trước lúc có được thành quả.

Những người thành công cũng trầy vi tróc vảy, liên tục va vấp mới vinh danh tên tuổi trên thương trường. Thất bại là một bước đệm quan trọng trong cuộc sống. Không trải qua thất bại, bạn không thể nào gặt hái thành công. Có nhiều cách để trở thành một người kiên trì, nhưng cách tốt nhất là nêu ra những lý do khiến bạn mong muốn làm điều đó. Khi lý do đủ mạnh, bạn có thể vượt qua mọi sóng gió và có được thứ mình muốn.

Kỷ Luật: Thói Quen Cần Thiết Cho Mọi Thành Công!

Phát Triển Bản Thân - Nâng Cao Chất Lượng Cuộc Sống

Theo Dean Nguyễn.

 

 


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng