Đôi điều Điều Thú Vị Về Lễ Giáng Sinh Của Người Công Giáo!

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Noel hay còn còn là lễ Giáng Sinh 2020, một ngày lễ lớn của người ki tô giáo và cũng là một lễ hội văn hóa đối với hàng tỉ người khác. Những câu chuyện thú vị về ông già Noel, ông già Tuyết, kẹo gậy... lại được truyền tai nhau.

Nguồn gốc lễ Giáng Sinh

Lễ Giáng Sinh, còn gọi là lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, Noel theo tiếng Pháp hay Christmas theo tiếng Anh, là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Jesus sinh ra đời. Dù chưa ai biết chính xác ngày sinh của Chúa, nhưng từ thế kỷ thứ 4, Nhà thờ Công giáo Tây phương đã ấn định ngày 25 tháng 12 là ngày Giáng Sinh. Ngày lễ Giáng Sinh đầu tiên được ghi nhận chính thức trong sách sử là vào năm 336.
 
Ngày nay, các tín đồ Công giáo khắp thế giới đón mừng ngày này dựa trên lịch Gregorian (tức Dương lịch hiện hành). Nhưng một số quốc gia theo Chính thống giáo phương Đông lại dùng lịch cổ La Mã Julian, do đó ngày 25 tháng 12 sẽ tương ứng với ngày 7 tháng 1 Dương lịch hiện nay.
Dù vậy, do cả hai Nhà thờ Công giáo La Mã và Chính thống giáo phương Đông đều có chung quan điểm là ngày Giáng Sinh là để kỷ niệm sự kiện Chúa Con hạ thế để cứu chuộc tội lỗi của con người. Do đó, không nhất thiết phải xác định ngày tháng cụ thể của sự kiện này.
Chữ ‘Christmas’ (Giáng Sinh) dùng rất phổ biến xuất phát từ cụm từ ‘The Mass of Christ’ ý chỉ Bữa Tiệc Ly cuối cùng của Chúa (Christ). Dần dần, cụm từ này được viết ngắn gọn là Christmas. Từ Christmas có một cách viết khác là Xmas, đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Từ này xuất phát từ người Hy Lạp viết chữ Christ là Xristos, người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho nguyên chữ Xristos, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas.
Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12, bởi theo quan niệm của người Do Thái xưa, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.
Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là ”lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là ”lễ vọng” và thường thu hút nhiều tín đồ tham dự hơn.
Trong các thế kỷ thứ 5 và 6, các Hoàng đế Lã Mã vốn theo đạo Công giáo, đã ban hành những nghi thức tiến hành lễ Giáng Sinh và công nhận là ngày quốc lễ, người dân được nghỉ làm việc nhưng vẫn hưởng lương.
Sau đó, ngày lễ Giáng Sinh bắt đầu lan tỏa ra khắp Âu châu qua các thế kỷ thứ V tại Ireland, thế kỷ thứ VII tại Anh quốc, thứ VIII tại Đức, thử IX tại các quốc gia khu vực Bắc Âu , thứ IX tại các quốc gia vùng Slave.

Nguồn gốc những nghi thức mừng lễ Giáng Sinh

Ông già Noel & ông già Tuyết
Ông già Noel là gọi theo tiếng Pháp, còn tiếng Anh là Santa Claus (xuất phát từ tiếng Hà Lan - Sinterklaas). Theo một lập thuyết được công nhận rộng rãi, Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas (280 - 343), một giám mục người Hy Lạp ở thành Myra (nay là Demre, Thổ Nhỉ Kỳ). Giám mục Nicolaus nổi tiếng là người nhân hậu, luôn giúp đỡ và ban phát quà cho những người nghèo khó.
Ông già Noel hay Santa Claus (gọi theo tiếng Anh)
Hình ảnh mô tả ông Noel như một ông già phúc hậu, luôn tươi cười với một bộ râu trắng dài, mặc bộ đồ màu đỏ có viền trắng xuất hiện đầu tiên ở Mỹ trên tờ tuần san Harper’s Weekly vào ngày 3.1.1863. Đây là tác phẩm của họa sĩ tài ba Thomas Nast (1840 - 1902), người được xem là cha đẻ của trường phái tranh biếm hoạ Mỹ. Từ đó, hình ảnh ông Noel đã trở nên bất tử nhờ nét vẽ của Nast.
Theo truyền thuyết, người ta (đặc biệt là trẻ em) cho rằng Ông già Noel sống ở Bắc Cực, nơi ông có một xưởng sản xuất đồ chơi rất lớn. Ông Noel sẽ theo dõi và ghi nhận thái độ hành xử của các trẻ em khắp nơi trong năm đó.
Vào đêm Giáng Sinh, Ông già Noel sẽ cưỡi một chiếc xe trượt tuyết chở đầy quà do một đàn tuần lộc kéo bay trên không trung đi khắp nơi. Ông Noel sẽ đến những nhà có cây thông Giáng Sinh và chui vào nhà qua ngã ống khói lò sưởi để tặng đồ chơi và kẹo cho các trẻ em ngoan, trẻ hư thì chỉ nhận được những hòn than. Thường là quà sẽ được ông Noel cho vào những chiếc bít tất (vớ) mà các em đã treo sẵn bên lò sưởi.
Ở những quốc gia theo Chính thống giáo Nga, có Ông già Tuyết cũng tặng quà Giáng Sinh cho trẻ em như ông già Noel của phương Tây. Ông già Tuyết cũng có ngoại hình tương tự như người "đồng nghiệp" ở phương Tây, nhưng mặc áo màu xanh và có một người cháu theo trợ giúp là Công chúa Tuyết. Công chúa là người trao quà cho trẻ em.
Ông già Tuyết cũng nổi tiếng như "đồng nghiệp" là ông già Noel 
Vòng lá mùa Vọng
Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Lutheran ở Đức năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ và 4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng Sinh được đốt thêm một cây nến.
Vòng lá là vật trang trí không thể thiếu vào mùa Giáng sinh
Vòng lá mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí - dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến.
Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách sự sống vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng.
Hang đá và máng cỏ
Vào mùa Giáng Sinh, hang đá (có thể làm bằng gỗ, giấy) được dựng lên trong nhà hay ngoài trời, với các hình tượng Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, Mẹ Maria, Thánh Giuse, xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ. Bên trên thường có gắn một ngôi sao, biểu trưng cho ngôi sao đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến diện kiến Chúa Hài đồng.
Máng cỏ xuất hiện đầu tiên trong các nhà thờ ở Ý từ thế kỷ thứ XV, sau đó lan đến các hộ dân cư vùng Napoli rồi đến các vùng miền Nam nước Pháp từ thế kỷ thứ XVII.
Cây Giáng Sinh
Cây Giáng Sinh là cây xanh, thường là cây thông được trang hoàng để trưng bày trong dịp lễ Giáng Sinh theo phong tục của người Kitô giáo. Cây Giáng Sinh có nguồn gốc từ nước Đức vào thế kỷ 16.
Việc sử dụng những loại cây luôn xanh tươi suốt bốn mùa, vòng hoa và những dây trang trí tượng trưng cho sự sống đời đời là một phong tục có từ thời cổ đại. Người ta trang trí nhà ở, chuồng trại, kho trữ với những cây xanh vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ và thiết lập một cây trú ẩn cho chim muông trong mùa Giáng Sinh.
Một truyền thuyết khác cho rằng, vào một đêm Noel đã rất lâu rồi có một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và lả đi vì đói. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Vào buổi sáng khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hoá ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang. Chúa đã tạo ra cây tuyệt đẹp đó để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.
Cây tầm gửi (tiếng Anh là Mistletoe)
Tầm gửi sống ký sinh trên những loài cây thân mộc lớn như táo, sồi, liễu… Trong ngôn ngữ Anglo-Saxon, tầm gửi có nghĩa là “phân trên cành cây” còn tiếng Hy Lạp, tên nó là phoradendron, nghĩa là “tên trộm trên cành” bởi tầm gửi sống bám vào các loài cây chủ khác, hút chất dinh dưỡng làm cây chủ cứ khô héo dần.
Theo các truyền thuyết Bắc Âu cổ, tầm gửi có quyền năng kỳ diệu, nếu treo một nhánh tầm gửi trước cửa nhà thì gia đình sẽ được nhiều may mắn và xua đuổi tà quỷ. Nó cũng tượng trưng cho tình yêu và tình bằng hữu. Một truyền thuyết khác thì kể rằng chính loài cây này đã cứu mạng người con trai của nữ thần tình yêu và sắc đẹp Friga, bà quá vui mừng nên đã hôn bất kỳ ai đi ngang dưới cây tầm gởi.
Một nhánh tầm gửi treo trước cửa nhà sẽ mang lại may mắn và xua đuổi tà quỷ
Vào mỗi Giáng Sinh, người phương Tây có truyền thống treo nhành tầm gửi trước cửa nhà. Các cặp đôi yêu nhau cũng bắt đầu hôn nhau dưới nhành tầm gửi với quan niệm rằng: nữ thần Frigga đã chứng kiến và bảo vệ tình yêu của họ vững bền mãi mãi.
Thiệp Giáng Sinh
Thiệp Giáng Sinh ra đời năm 1843 khi một thương gia giàu có người Anh tên Henry Cole (1808 - 1882) đã nhờ họa sĩ John Callcott Horsley (1817 - 1903) thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè.
Hình vẽ mô tả Ông già Noel cưỡi chiếc xe chở đầy quà do đàn tuần lộc kéo bay trên không
Vào Giáng Sinh năm đó, Horsley trình làng tấm thiệp đầu tiên trên thế giới và được in ra đến 1.000 bản. Thiệp Giáng Sinh nhanh chóng bùng phát và trở nên thịnh hành ở Anh. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức nhưng mãi tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.
Quà Giáng Sinh
Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bè bạn. Đối với một số người theo đạo, những món quà Giáng Sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.
Khi Chúa Hài đồng chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba nhà thông thái và cũng là ba vị vua, từ phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng có ý nói Chúa Jesus là vua, nhũ hương để tuyên xưng Jesus là Thiên Chúa và mộc dược tiên báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa để cứu chuộc nhân loại.
Những chiếc bít tất của trẻ em trước lò sưởi để nhận quà của ông Noel
Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu dâng tặng hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.
Dần dần, khi lễ Giáng Sinh trở thành một sự kiện văn hoá phổ biến khắp thế giới, thì đây cũng là dịp mọi người gửi cho nhau những món quà, những bó hoa tươi và những tấm thiệp mang lời chúc tốt đẹp đến người thân và bạn bè, nhất là Giáng Sinh cũng cận kề ngày Tết Dương lịch năm mới.
Dây đèn trang trí Giáng Sinh
Người ta bắt đầu biết treo đèn lên cây thông Giáng Sinh từ thế kỷ 17, lúc đó chỉ là những cây nến cắm lên các nhánh cây. Bởi thế, không ai dám đốt nến sớm trước đêm Giáng Sinh vì sợ hoả hoạn. Đến năm 1882, kỹ sư Edward Johnson, một trợ lý của nhà phát minh lỗi lạc người Mỹ Thomas Edison đã nghĩ ra cách nối 80 chiếc bóng đèn điện các màu trắng, xanh và đỏ vào nhau sau đó quấn quanh một cái cây. Dây đèn trang trí đầu tiên đã ra đời như thế.
Năm 1917 ở thành phố New York (Mỹ) đã xảy một trận hỏa hoạn chết người do đốt nến Giáng Sinh, nên cậu thiếu niên 15 tuổi Albert Sadacca đã nghĩ ra ý tưởng làm những sợi dây dài gắn nhiều bóng đèn điện sơn đủ màu sắc để bán cho mọi người trang trí cây thông thay cho đốt nến. Ý tưởng này đã thành công rực rỡ ở Mỹ và lan ra khắp thế giới. 
Dải kim tuyến
Các dải dây kim tuyến lóng lánh treo trên cây thông Giáng Sinh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1610 ở nước Đức. Mục đích là để phản chiếu ánh nến tạo nên những hiệu ứng ánh sáng lung linh tuyệt đẹp. Ban đầu, chúng được làm từ bạc, trông rất đẹp mắt nhưng quá đắt tiền, chỉ có những người giàu có mới mua nổi và bạc thì mau bị xỉn màu. Do đó, người ta thay bằng các kim loại khác rẻ tiền và giữ độ sáng chói lâu hơn.
Những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất đã giúp người ta làm ra những dải kim tuyến từ nhôm với giá thành thấp. Từ đầu thế kỷ 20 trở đi, kim tuyến trang trí trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội.
Kẹo gậy
Có nhiều đồn đoán về nguồn gốc của cây kẹo gậy (candy cane) yêu thích của trẻ nhỏ, nhưng có lẽ nó đã khởi phát từ nước Đức năm 1670. Một người chỉ huy dàn hợp xướng nhà thờ đã nghĩ ra cách uốn các que kẹo đường thành hình cây gậy của người chăn cừu, để phân phát cho các trẻ em làm quà Giáng Sinh.
Vào ngày Giáng Sinh các tín đồ Công giáo đều đến nhà thờ dự lễ
Cho đến giữa thế kỷ 20, người ta vẫn sản xuất kẹo gậy theo phương pháp thủ công: kéo thanh, vặn xoắn, cắt khúc rồi uốn cong, tất cả đều làm bằng tay nên nặng nhọc, tốn nhiều thời gian, năng suất lại thấp.
Đến năm 1950, nhà sản xuất người Mỹ Gregory Keller chế ra một máy làm kẹo tự động có thể sản xuất với số lượng lớn. Sau đó, họ lại nghĩ ra cách bảo quản các thanh kẹo được lâu dài, nhờ đó kẹo gậy có mặt khắp nơi trên thế giới.
Theo Đồng Phước- Thanh Niên.

 


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng