Thuyết Trình Không Đáng Sợ Như Bạn Nghĩ

Nói chuyện trước đám đông/công chúng (public speaking) là một trong những nỗi sợ hãi của nhiều người. Chúng ta thường cố né tránh, nhưng dù là làm việc một mình hay làm với một nhóm người, cuối cùng thì chúng ta cũng phải một lần đứng nói trước đám đông để có thể hoàn thành công việc của mình.
Mặt khác, nếu như ta muốn trở thành những nhà lãnh đạo hoặc vươn đến thành công, ta càng phải rèn luyện kỹ năng này. Tuy vậy, bản chất của việc nói trước công chúng là không gây căng thẳng. 
 
Nếu bạn hiểu rõ những nguyên nhân ẩn giấu của cảm giác căng thẳng khi đứng trước đám đông và ghi nhớ một vài nguyên tắc cốt lõi, việc nói trước đám đông sẽ nhanh chóng trở thành một trải nghiệm rất tuyệt vời.
 
Nguyên tắc 1: Nói chuyện trước công chúng không "stress" như bạn nghĩ.
 
Nói chuyện trước công chúng không "stress" như bạn nghĩ.
 
Phần lớn trong chúng ta tin rằng bản chất của việc thuyết trình/diễn thuyết nói riêng và cuộc sống nói chung là dễ gây căng thẳng. Để có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, đầu tiên bạn cần hiểu rằng: bản chất của cuộc sống, bao gồm cả kỹ năng nói trước công chúng, là không gây ra căng thẳng.
 
Bạn có thể thấy nhiều người tự tin khi đứng phát biểu trước đám đông. Nếu họ làm được thì bạn cũng có thể như vậy. Điều cơ bản bạn là bạn cần tiếp cận đúng bản chất vấn đề và điều đó hoàn hoàn không khó.
 
Nguyên tắc 2: Để thành công, không nhất thiết bạn phải xuất sắc hay hoàn hảo.
 
Nhiều người trong chúng ta đã quan sát các diễn giả và nghĩ rằng, “Ôi, tôi sẽ chẳng thể nào thông minh, điềm tĩnh, sắc sảo, vui vẻ, bóng bẩy… đến vậy”. Nhưng không cần thiết phải như thế. Bạn có thể chỉ có năng lực trung bình, hoặc thậm chí dưới trung bình. Bạn có thể sai, nói ngọng cả lưỡi hay quên toàn bộ bài nói của mình. Bạn thậm chí không có óc hài hước. Nhưng bạn có thể thành công.
 
Không cần cố tỏ ra thật hoàn hảo
 
Tất cả tùy thuộc vào cách bạn và khán giả của bạn định nghĩa thế nào là “thành công”. Tin tôi đi, các khán giả của bạn không kỳ vọng rằng bạn phải hoàn hảo. Tôi đã từng nghĩ phần lớn khán giả ai cũng thế, nhưng thật là sai lầm. Tôi mải miết chuẩn bị cho bài nói của mình trong nhiều ngày. Tôi thức khuya lo lắng và sợ mình sẽ nhầm lẫn lúc nói. Tôi dành hàng giờ để tuốt đi tuốt lại bài nói. Nhưng thực tế là gì? Khi bạn càng cố trở nên hoàn hảo thì bạn càng làm kém đi.
 
Về cơ bản, khi nói trước công chúng, bạn phải đem đến cho khán giả một cái gì đó có giá trị. Nếu khán giả ra về với một điều giá trị, họ sẽ xem là bạn đã thành công. Nếu họ ra về với một cảm nhận tốt hơn về bản thân và có cảm hứng làm điều gì đó, họ sẽ xem là bạn đã thành công.
 
Nếu họ ra về với tâm trạng vui vẻ và thoải mái, họ sẽ xem thời gian họ lắng nghe bạn là đáng giá. Thậm chí nếu bạn có ngất xỉu, líu lưỡi, hay lỡ lời nói một câu ngớ ngẩn… thì họ cũng sẽ không để tâm. Miễn sao họ nhận được điều gì đó giá trị thì họ sẽ cảm ơn bạn.
 
Nguyên tắc 3: Nội dung chỉ cần có hai hoặc ba ý chính
 
Bạn không cần thiết phải đưa ra một núi thông tin mà chỉ nên đem đến cho khán giả của mình cái họ thực sự cần. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, khán giả nhớ rất ít các dữ kiện hoặc thông tin mà diễn giả truyền đạt. Khi bạn chọn các dữ liệu và thông tin, bạn chỉ cần đưa ra hai đến ba ý chính để có được bài phát biểu thành công.
 
Thậm chí bạn có thể chỉ cần một ý chính trong bài nói của mình nếu muốn. Hãy nhớ rằng điều mà khán giả mong muốn là họ sẽ ra về với một hoặc hai điểm đáng nhớ đối với họ. Nếu bạn nhắm đến kết quả này để lên kết cấu cho nội dung của mình thì bạn sẽ tránh được nhiều chi tiết phức tạp không cần thiết. Điều này cũng giúp việc trình bày của bạn dễ dàng và thú vị hơn.
 
Nguyên tắc 4: Bạn phải xác định mục đích phù hợp.
 
Nguyên tắc này rất quan trọng nên bạn hãy chú ý thật kỹ. Một sai lầm lớn mà mọi người mắc phải khi họ nói trước công chúng là họ không xác định đúng mục tiêu. Thông thường, trong đầu họ không có một mục tiêu gì cụ thể, nhưng nếu có thì mục tiêu đó lại toàn khiến họ bị căng thẳng không cần thiết.
 
Đây là một ví dụ mà tôi gọi là “nguyên nhân tiềm ẩn” gây ra căng thẳng khi nói trước công chúng. Lần đầu tiên khi tôi bắt đầu diễn thuyết, tôi nghĩ mục đích của mình là có được sự công nhận của tất cả mọi người. Tôi đã không ý thức được đó là một mục đích thật sai lầm và ngu ngốc.
 
Chính vì mục đích này, tôi cứ nghĩ khi bước lên bục thì mình phải trông thật hoàn hảo và sáng chói để có được sự công nhận của khán giả. Dù chỉ một người trong số họ không công nhận thì tôi cũng rất thất vọng. Nếu thấy ai đó rời khỏi khán phòng khi bài nói chưa kết thúc, có người ngủ gật hoặc chẳng quan tâm đến những gì tôi đang nói, tôi sẽ nghĩ là mình đã thất bại!
 
Sau đó, tôi hiểu ra rằng mục đích này khiến mình đâm ra căng thẳng. Tôi đã trung thực đối diện với nó và thấy được sai lầm của mình. Trên thế giới này, có bao nhiêu diễn giả nhận được 100% sự công nhận từ người nghe? Câu trả lời là không có ai cả.
 
Chắc chắn, trong một đám đông luôn có những quan điểm, cách đánh giá và phản ứng khác nhau - tích cực có và tiêu cực cũng có. Hãy nhớ, nhiệm vụ quan trọng của người thuyết trình/diễn thuyết là đem đến giá trị cho người nghe.
 
Mục đích diễn thuyết hay đề tài của bạn là gì?
CHO chứ không phải NHẬN. Mục đích của việc nói trước đám đông không phải là để nhận điều gì đó từ khán giả (như sự công nhận, danh tiếng, sự tôn trọng, doanh số, khách hàng v.v…), mà chính là đem đến cho họ những thông tin hữu ích.
 
Tất nhiên, nếu bạn làm tốt thì bạn sẽ được nổi tiếng, có được sự tôn trọng, kiếm thêm tiền và thu hút khách hàng mới. Nhưng đừng xem đó là mục đích bạn phải nhắm tới. Hãy cố gắng hết sức thể hiện mình. Thuyết trình với thái độ "cho đi" hầu như chẳng bao giờ gây căng thẳng và lo lắng.
 
Khi tôi nói chuyện trước một nhóm người, tôi tưởng tượng mình đang đưa cho họ 1.000 đô. Tôi cố gắng đem đến cho họ một giá trị mà ít nhất phải bằng con số đó. Nếu một vài cá nhân trong đám đông “từ chối” món quà này, tôi cũng chẳng bận tâm về điều đó.
 
Nguyên tắc 5: Đừng cố gắng biến mình thành người khác.
 
Nhiều người trong số chúng ta đã làm méo mó hay thổi phồng công việc thuyết trình/diễn thuyết. Họ thường cho rằng để thành công thì phải dốc sức thể hiện những tố chất tuyệt vời mà mình không có, và như vậy, họ phải bắt chước những diễn giả nổi tiếng.
 
Trong khi thực tế, phần lớn các diễn giả đạt được thành công là nhờ điều ngược lại. Họ không cố gắng trở thành một ai đó khác. Họ chỉ cố gắng thể hiện chính mình trước đám đông. Khi bạn đã thành thạo việc thể hiện bản thân trước người khác, bạn thậm chí có thể ngẫu hứng trình bày mà không chuẩn bị sẵn ý tưởng.
 
Trong nhiều trường hợp, tôi có thể thốt ra những điều mà trước đây tôi chưa nói bao giờ. Ý tưởng cứ bất chợt tuôn ra khi tôi hòa mình với khán giả. Và bạn biết không? Mọi người thường đến gặp tôi sau đó và nói, “Anh thật tuyệt, tôi ước giá như mình có thể nói được như anh”.
 
Đó thực sự là một suy nghĩ sai lầm. Bạn đừng trình bày theo cách của tôi hay bất kỳ ai khác. Với kiến thức của bạn và một vài ý tưởng, hãy tự tin bước lên bục, đứng trước khán giả và cho họ thấy bạn đang là chính mình. 
 
Nguyên tắc 6: Sự khiêm tốn và hài hước có thể giúp bạn tiến xa.
 
Khi bạn đã có được phong cách trình bày của riêng mình thì đã đến lúc bạn sử dụng hai kỹ thuật để nói hay hơn: sự khiêm tốn và hài hước. Sự hài hước giúp bạn cảm thấy thoải mái. Vì vậy, đừng chần chừ thể hiện óc hài hước ở thời điểm phù hợp.
 
Khiêm tốn giúp bạn trở nên đáng tin hơn và được tôn trọng hơn. Bạn không nên ngại nói ra những điểm yếu và sai lầm của mình. Chúng ta ai cũng có điểm yếu, và khi bạn đứng trước mọi người mà không lo sợ phải thừa nhận những điểm yếu đó, bạn sẽ tạo được bầu không khí gần gũi, thân thiện giữa mình và khán giả.
 
Nếu bạn thấy lo lắng khi đứng trước đám đông hoặc bối rối khi đang nói giữa chừng, bạn đừng cố che giấu điều này với khán giả. Hãy thành thật và khiêm tốn bằng cách thừa nhận nỗi sợ hãi của bạn một cách công khai và trung thực.
 
Nguyên tắc 7: Đừng tưởng tượng đến những điều tồi tệ.
 
Một điều khiến chúng ta lo lắng khi nói trước đám đông là ta thường tưởng tượng đến những sự cố mà mình có thể gặp phải, ví dụ như tâm trạng hồi hộp, quên nội dung, bị khán giả ghét v.v… Tất nhiên, bạn sẽ thấy xấu hổ nếu thực sự rơi vào những tình huống đó. Nhưng thực tế thì phần lớn chúng không xảy ra. Thậm chí nếu chúng xảy ra thì bạn vẫn có chiến lược để xoay chuyển tình thế. 
 
Ví dụ khi bạn đang nói thì một số người bỏ về. Bạn có thể hỏi họ vì sao họ không muốn ở lại – liệu có điều gì khiến họ thấy bị xúc phạm chăng? Nếu như họ không đưa ra câu trả lời, bạn cũng có cách để tận dụng điều này. Ví dụ, bạn có thể dùng nó làm lời mở đầu khi thuyết trình lần sau: “Các bạn biết đấy, hôm trước tôi đã trình bày nội dung này nhưng chưa đến 10 phút thì khán giả đã rời khỏi khán phòng. Đó là thành tích hiện tại của tôi, cho nên tôi nghĩ hôm nay là dịp để mình nâng cao thành tích.”
 
Nguyên tắc 8: Bạn không cần kiểm soát thái độ của khán giả.
 
Không quá quan trọng về thái độ của khán giả
Những gì bạn cần kiểm soát là suy nghĩ của chính bạn, khâu chuẩn bị, các thiết bị hỗ trợ, cách bày trí của khán phòng. Đừng để ý nếu như có ai đó ngồi đọc báo và tỏ ra không chú ý đến bài nói của bạn.
 
Nguyên nhân tiềm ẩn của sự căng thẳng trong cuộc sống chính là chúng ta quá để ý đến thái độ của người khác và cứ nghĩ mình phải thay đổi hoặc kiểm soát họ. 
 
Nguyên tắc 9: Đừng chuẩn bị quá kỹ lưỡng.
 
Trước khi bước lên bục thuyết trình, chuẩn bị kỹ là việc nên làm. Tuy vậy, chuẩn bị thế nào và dành bao nhiêu thời gian cho việc chuẩn bị là chuyện hoàn toàn khác. Nếu bạn hiểu rõ nội dung mình sắp nói hoặc trước đây bạn đã trình bày nội dung đó nhiều lần, thì việc chuẩn bị có lẽ chỉ tốn vài phút.
 
Nếu bạn chuẩn bị quá kỹ lưỡng, điều đó thường nói lên rằng bạn chưa hiểu thấu những gì mình sắp nói, hoặc bạn hiểu nhưng cảm thấy thiếu tự tin về khả năng trình bày của mình. Đối với trường hợp đầu, bạn cần phải nghiên cứu thêm để thông suốt nội dung từ đầu đến cuối. Đối với trường hợp thứ hai, bạn cần củng cố lòng tự tin của mình bằng cách tập nói trước một nhóm bạn bè hoặc người thân...
 
Nguyên tắc 10: Khán giả luôn muốn bạn thành công.
 
Thực tế là nhiều người cũng sợ nói trước công chúng nên họ rất hiểu hoàn cảnh của bạn. Họ sẽ sẵn sàng bỏ qua nếu như bạn có mắc lỗi. Và bởi ngưỡng mộ sự can đảm của bạn, họ sẽ luôn ủng hộ bạn dù có điều gì xảy ra đi nữa. Đôi khi, đối với bạn thì một lỗi bé tí cũng chẳng khác nào một lỗi nghiêm trọng, nhưng khán giả thì không đánh giá như vậy. Hãy nhớ điều đó khi bạn cảm thấy mình đã làm rất tệ.  
 
 
Tác giả: Morton C. Orman
 

(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng