Học Ăn, Học Nói và Học Cách Nói Sao Cho Hiệu Quả.

Khi nói đến giao tiếp, thì người ta hay nghĩ cách nói chuyện, là lời nói, cử chỉ, là hành động,.. Tuy nhiên, để giao tiếp hiệu quả, thì ngoài những hình ảnh thông thường kia ra, mọi thứ phải bắt nguồn từ bên trong, là tiếng nói xuất phát từ nội tâm mỗi người chúng ta, tiếng nói ấy, mới chính là con người chúng ta, là hình ảnh của chúng ta. Vậy nên, có ai đó đã nói rằng, chúng ta chính là những gì chúng ta nghĩ. Và giao tiếp hiệu quả nhất là giao tiếp mà xuất phát từ tâm hồn, từ trái tim của mỗi người chúng ta.

Sức mạnh của lời nói

Cổ nhân có câu : “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn” (Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng). Cho nên, có thể thấy, bất cứ lời nói nào đều sẽ đem lại những kết quả khác nhau.

Lời nói sẽ mang lại những kết quả khác nhau, trong đó lời nói tốt đẹp khích lệ người khác sẽ mang đến thiện lành, còn lời nói ác làm tổn thương người và có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Nhiều người xấu tạo ra những tin đồn làm hại người khác để thỏa mãn tâm đố kỵ hay dục vọng của bản thân thường vẫn tự cho mình là có kế hay, nhưng họ đâu biết rằng những gì chờ đợi phía trước lại là hận thù hay báo ứng.

Tôn Tử – một vị tướng tài thời Xuân Thu từng nói : “Tặng người lời nói, quý như châu báu. Hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”. Đối với những người tu luyện trong Đạo gia hay tu hành trong Phật gia mà nói, tu khẩu là một trong những điều quan trọng nhất trên con đường tu hành. Người tu chân chính sẽ không nói dối, không nói lời ác độc, không nói lời ngông cuồng, ác ngữ. “Ngồi tĩnh lặng, thường nghĩ lỗi của mình, trò chuyện không nói xấu người khác” – đây không chỉ là việc tu dưỡng cơ bản của các hành giả, mà còn là của mỗi người thời xưa.

Ngôn ngữ giống như cây cầu kết nối giữa người với người, cũng là phương tiện quan trọng để con người nhận thức thế giới bên ngoài. Vậy nên, nếu muốn nói lời khiến người nghe vui vẻ hài lòng, dễ nghe lọt tai, thì hãy nói lời tốt đẹp chân thành, xuất phát từ thiện ý mà nói.

Miệng người lại giống như đao kiếm sắc bén, có thể mang đến điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh, nhưng cũng có thể dễ dàng nói điều ác, gây họa cho người.

Giao tiếp khéo léo với nguyên tắc 30%

Lời nói thể hiện ra phẩm chất của một người

Người xưa giảng rằng: “Quý nhân ngữ trì”, tức người cao quý nói năng chậm rãi từ tốn. Cho nên, lời nói là có thể thể hiện ra phẩm chất của một người.

Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta sẽ gặp không ít người có tài ăn nói, biết cách chuyện trò. Nhưng một khi khả năng ấy “bị đặt nhầm chỗ”, họ sẽ nói lời ác ngữ, cay nghiệt, không cho người khác có chút cơ hội để biểu đạt ý kiến của mình. Người như vậy thường có tính cách không dễ chịu thiệt về lợi ích, họ luôn muốn ganh đua, hơn người.

Trong cuộc sống thường ngày, có những người mà nếu như ai đó “đắc tội” với họ, họ sẽ dùng hết khả năng “miệng lưỡi”, nghiến răng để nói những lời cay độc, không ngừng cười nhạo châm biếm, dùng lời ác để tấn công người khác. Họ sẵn sàng tiết lộ bí mật mười mấy năm hoặc chuyện riêng tư của người khác, làm người ta không còn thể diện, lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề, họ sẽ trở nên vô cùng đáng thương… Người như vậy thì phẩm chất cũng không phải tốt đẹp, lòng dạ hẹp hòi, không lương thiện.

Người lương thiện thực sự thì hoàn toàn trái lại. Họ nói gì đều suy nghĩ đến cảm nhận của người khác, suy xét xem người khác có bị phương hại gì không. Lời nói của họ dễ nghe nhưng hoàn toàn là phát ra từ tâm, không phải lời hoa mỹ, lấy lòng người để được lợi ích cá nhân. Điều này hoàn toàn không thể “giả trang” mà ra được.

Sự chia sẽ Bình dị

Tôi đứng xếp hàng ở bưu điện để mua tem gửi thư, ngay sau tôi là một phụ nữ với hai đứa con còn rất nhỏ. Hai đứa nhỏ khóc lóc, không chịu đứng yên trong hàng. Bà mẹ trông mệt mỏi và nhếch nhác như mấy đứa trẻ. Thấy thế, tôi liền nhường chỗ của tôi cho bà. Bà cảm ơn tôi rồi vội vã bước lên...

Chỉ còn vài phút nữa là đến giờ đóng cửa. Dòng người xếp hàng chậm chạp nhích từng bước một. Và nhân viên bưu điện đã thông báo đóng cửa ngay sau khi đến lượt người phụ nữ đó, tức là trước tôi. Điều đó có nghĩa hôm nay tôi không thể gửi thư được, chỉ vì tôi đã nhường cho người phụ nữ đó xếp hàng trước mình.

Tôi cảm thấy thật sự rất bực mình và hối hận vì đã nhường chỗ của mình cho người khác. Tôi lại càng khó chịu hơn khi nghĩ đến việc phải quay trở lại vào ngày mai. Chợt người phụ nữ quay sang tôi và nói: “Tôi cảm thấy rất ngại! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas, thì công ty điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi”.

Tôi sững người, không ngờ rằng chỉ đơn giản bằng một hành động nhường chỗ của mình, tôi đã giúp người phụ nữ ấy và hai đứa trẻ qua một đêm giá rét. Tôi rời khỏi bưu điện với niềm vui trong lòng. Tôi không còn cảm giác khó chịu khi nghĩ đến việc phải lái xe đến bưu điện, tìm chỗ đậu xe và đứng xếp hàng nữa, mà thay vào đó là cảm giác thanh thản, phấn chấn.

Kể từ ngày hôm đó, tôi cảm thấy được sự quan tâm của mình đến với mọi người có giá trị như thế nào. Tôi bắt đầu biết quên mình đi và chia sẻ với người khác, vì tôi nhận ra, đôi khi chỉ một cử chỉ nhỏ, bình dị của mình cũng có thể làm ấm lòng, làm thay đổi hoặc tạo nên sự khác biệt và ý nghĩa cho cuộc sống của một người khác.

>> Kỹ Năng Giao Tiếp, Thuyết Trình và Ứng Xử Thông Minh

Theo Hat Giống Tâm Hồn.

Sách Đọc Thích

 

An Hòa (dịch và t/h)

 

 


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng