U23 Việt Nam và Bài Học Quản Trị Từ Thành Công Của HLV Park Hang Seo

Điều gì đã biến một đội U23 Việt Nam thua ngay từ vòng bảng giải đấu “ao làng” SEA Games lại lột xác ngoạn mục đến vậy? Câu trả lời ở đây chính là luồng gió mới mang tên Park Hang Seo và các cộng sự.

Đội tuyển U23 Việt Nam đã lập kỳ tích khi lọt vào chung kết U23 châu Á sau khi vượt qua Iraq ở tứ kết và Quatar ở bán kết. Người hâm mộ đã được chứng kiến những trận đấu hấp dẫn nhất và kịch tính nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam cũng như vòng chung kết U23 lần này.

Mặc dù mới tiếp quản chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam mới được hơn 3 tháng, nhưng “ngài” Park đã làm nên kỳ tích trong lịch sử của bóng đá Việt Nam - lần đầu tiên đưa đội tuyển U23 Việt Nam vào đến chung kết U23 châu Á.

Dưới góc nhìn của những nhà quản lý, thông qua thành công của HLV Park Hang Seo với đội tuyển U23 Việt Nam, chúng ta rút ra được nhiều bài học bổ ích và giá trị, có thể vận dụng trong quản lý kinh doanh, vận hành một doanh nghiệp, một tổ chức để tạo sự đột phá đưa doanh nghiệp, tổ chức lên tầm cao mới, vươn ra biển lớn. Đó là:

Bài học về bố trí nhân sự và tối ưu hóa nguồn nhân lực của tổ chức

Rõ ràng với hơn 3 tháng tiếp quản “ghế nóng”, HLV Park chắc chắn sẽ không có được thành công như ngày hôm nay nếu không biết lắng nghe những góp ý từ những chuyên gia khác. Ông đã lắng nghe các HLV trong nước, các chuyên gia nước ngoài như Giám đốc kỹ thuật Gende, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam về tình hình chung của bóng đá Việt Nam nói chung, và về chiến thuật, lối chơi, kỹ thuật và thể lực của các cầu thủ nói riêng. Cái giỏi đầu tiên của ông Park là dùng những người giỏi hơn mình trong từng lĩnh vực.

Thứ hai, trong từng trận đấu, nhờ sự hỗ trợ của các cộng sự, ông đã có nhưng phương án thay người hợp lý. Điều này giúp phát huy hết kỹ năng, điểm mạnh của từng cầu thủ trong từng trận đấu, ở từng thời điểm. Nhờ  tối ưu hóa được đội ngũ của mình, HLV Park đã "lột xác" một đội bóng có bị đánh giá là “lót đường” cho các ông lớn trong châu lục. Tối 23/01, U23 Việt Nam hiên ngang vào đến chung kết làm cả châu Á ngỡ ngàng.

Áp dụng hai cách làm việc trên của HLV Park vào môi trường doanh nghiệp, các nhà quản lý cần: biết cách sử dụng người giỏi hơn mình; biết lắng nghe những ý kiến đóng góp, thậm chí là những ý kiến phản biện trên tinh thần xây dựng; tận dụng trí tuệ tập thể trong quá trình ra quyết định. Ngoài ra, lãnh đạo cần giao việc đúng người nhằm phát huy tối đa điểm mạnh của từng cá nhân, đồng thời duy trì tính đoàn kết trong tập thể để đạt được mục tiêu đề ra.

HLV Park Hang Seo đã làm nên kỳ tích trong lịch sử của bóng đá Việt Nam khi lần đầu tiên đưa đội tuyển U23 Việt Nam vào đến trận chung kết U23 châu Á.

U23 Việt Nam: Kỷ Luật + Chiến Thuật + Niềm Tin = Chiến Thắng

Bài học về áp dụng và vận hành hệ thống quản lý hiện đại, linh hoạt và sáng tạo

Trong bóng đá hiện đại, vai trò của HLV không đơn thuần là “huấn luyện” (Coach) mà còn đóng vai trò là “nhà quản lý” (Manager).

Để có thể sử dụng chiến thuật một cách linh hoạt và đầy sáng tạo, thay người hợp lý mang lại thành công cho đội bóng, ông Park đã vận dụng thành thục kinh nghiệm huấn luyện chuyên môn lẫn quản lý và vận hành một đội bóng. Chúng ta có thể tóm lược trong 4 từ của hệ thống quản lý: PDCA (Plan – Do – Check - Act).

Plan (Kế hoạch): Để lên được chiến thuật cũng như cách đá với từng đối thủ cần chuẩn bị lên kế hoạch chi tiết từ việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng đối thủ, bố trí đội hình, đến chiến lược thay người trong từng kịch bản trận đấu. Đây là việc đầu tiên và quan trọng nhất trong một hệ thống quản lý nói chung và vận hành đội bóng nói riêng. Nói cách khác, nếu thất bại trong việc chuẩn bị thì sẽ là chuẩn bị cho thất bại.

Đối với một doanh nghiệp hay tổ chức kinh doanh, nếu không lên kế hoạch chi tiết trong ngắn hạn hay dài hạn, kế hoạch năm, tháng, tuần, ngày thì khả năng thất bại và không đạt mục tiêu đề ra là rất cao.

Do (Thực hiện): Sau khi lên kế hoạch chi tiết, tiếp theo là triển khai chiến lược, chiến thuật trong trận đấu. Nhà quản lý cần phân công rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cá nhân thông qua việc trả lời các câu hỏi: Ai, việc gì, ở đâu, như thế nào, làm thế nào để đạt được mục tiêu đề ra?

Có thể nói, giao việc đúng người là một trong những điểm yếu của các nhà quản lý hiện nay. Mấu chốt có thể là do không áp dụng công cụ trong quản lý con người như hệ thống KPI, Blance CoreCard, từ đó dẫn đến việc sử dụng nhân sự chưa tối ưu, dẫn đến việc triển khai kế hoạch không như mong muốn. Cách bố trí đội hình, sử dụng người ở từng thời điểm của HLV Park là bài học giá trị mà các nhà quản lý kinh doanh có thể học hỏi để thành công.

Check (Kiểm tra lại)Việc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của có đúng không, có cần phải thay đổi chỉnh sửa gì không là rất cần thiết. HLV cũng như nhà quản lý kinh doanh phải nắm rõ diễn biến thực tế, nắm rõ nguồn lực mình đang có trong tay để điều chỉnh cho phù hợp đảm bảo kế hoạch, mục tiêu của mình luôn đi đúng hướng.

Act (Hành động): Giống như cách HLV Park thay đổi sơ đồ chiến thuật khi nào thì tấn công khi nào thì phòng ngự, khi nào thì luân chuyển nhân sự, hoán đổi vị trí của từng cầu thủ, khi nào thì thay người. Sau khi kiểm tra thấy tình hình thực tế, nếu thấy cần phải điều chỉnh thì nhà quản lý kinh doanh phải có hành động chỉnh sửa cụ thể nhằm đảm bảo hệ thống vận hành tốt, đúng hướng, đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra.

Bài học về tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và động lực thúc đẩy nhân viên

HLV cũng như nhà quản lý một doanh nghiệp kinh doanh hay tổ chức, phải là người dẫn dắt, truyền ngọn lửa nhiệt huyết vào cầu thủ cũng như nhân viên. Câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” nhấn mạnh vai trò của tính đồng đội và kỷ luật trong một tổ chức. Vai trò của HLV hay nhà quản lý kinh doanh rất quan trọng trong việc dẫn dắt đội ngũ, duy trì tính kỷ luật, tinh thần đồng đội để đạt được mục tiêu đề ra

Có thể nói ông Park là bậc thầy trong khía cạnh này, từ việc đề ra quy chế làm việc rõ ràng, thiết lập môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh giữa các cầu thủ, xây dựng tính đoàn kết thông qua các việc nhỏ nhặt nhất là không được phàn nàn khi đồng đội sai, tích cực trên sân, tuyệt đối tuân thủ kỷ luật chiến thuật của ban huấn luyện.

Bên cạnh đó, HLV Park còn tỏ ra rất tâm lý trong việc thúc đẩy tinh thần của cầu thủ thông qua những hành động rất đời thường như ôm hôn - bắt tay từng cầu thủ sau trận đấu, khen họ trước giới truyền thông, nhớ từ ngày sinh nhật đến ngày mất của cầu thủ và người thân trong gia đình của họ. Tất cả đã thúc đẩy đội ngũ làm việc hết mình vì mục tiêu của HLV cũng như của đội bóng U23 Việt Nam.

U23 vào Chung kết giải Châu Á: Niềm Tin Chiến Thắng !

Nâng cao giá trị bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

BÙI MẠNH THẮNG


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng